YÊU CẦU CẦN ĐẠT
Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về tiền đề của cách mạng tư sản.
Nêu bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành của các phong trào cách mạng tư sản.
Trình bày mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng tư sản.
Nêu vai trò của các giai cấp lãnh đạo và động lực cách mạng trong các cuộc cách mạng tư sản.
Trình bày kết quả của một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu.
Nêu ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản trong việc xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và tạo ra nền dân chủ.
1. Tiền đề của các cuộc cách mạng tư sản
a) Kinh tế
- Thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển mạnh:
+ Các công trường thủ công ra đời như: len, dạ, vải, đóng tàu, khai thác mỏ,..
+ Nhiều trung tâm công - thương nghiệp, tài chính xuất hiện.
- Nông nghiệp: phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nhiều lãnh chúa phong kiến chuyển sang kinh doanh ruộng đất, sản xuất hoặc cho thuê.
→ Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời trong lòng xã hội phong kiến, dẫn đến sự thay đổi về chính trị và xã hội.
b) Chính trị, xã hội
- Về chính trị: khủng hoảng, vẫn duy trì chế độ quân chủ độc đoán.
- Về xã hội: xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới:
+ Quý tộc phong kiến phân hóa thành quý tộc mới ( tiêu biểu là ở nước Anh ).
+ Giai cấp tư sản ra đời có thực lực và tiềm năng ( Anh, Pháp, Bắc Mĩ ).
+ Giai cấp chủ nô giàu có cũng đã hình thành ( các bang miền Nam Bắc Mĩ ).
+ Giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp bình dân thành thị, tiểu tư sản bị bóc lột, sẵn sàng đi theo giai cấp tư sản để làm cách mạng.
c) Tư tưởng
- Hệ tư tưởng của giai cấp tư sản dần hình thành, tấn công vào hệ tư tưởng phong kiến, chuẩn bị tiền đề cho sự bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản ( phong trào Cải cách tôn giáo, trào lưu tư tưởng “Triết học Ánh sáng” …)
2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của các cuộc cách mạng tư sản
a) Mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng tư sản
* Mục tiêu:
- Mục tiêu chung: lật đổ chế độ phong kiến, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Về kinh tế: thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa; hướng đến một nền sản xuất tập trung, cải tiến kĩ thuật.
+ Về chính trị: xây dựng nhà nước pháp quyền, là nhà nước dân chủ tư sản, dựa trên việc quản lí đất nước bằng pháp luật.
* Nhiệm vụ của cách mạng tư sản:
- Nhiệm vụ dân tộc: giành độc lập dân tộc; xóa bỏ tình trạng phong kiến cát cứ, thống nhất thị trường dân tộc; hình thành quốc gia dân tộc.
- Nhiệm vụ dân chủ: xóa bỏ tính chất chuyên chế phong kiến, xác lập nền dân chủ tư sản.
b) Giai cấp lãnh đạo của cách mạng tư sản
- Là những lực lượng mới, có tư tưởng tiến bộ, có thế lực trong xã hội: giai cấp tư sản.
- Quý tộc tư sản hóa (ở Anh, Đức, Nhật), giai cấp tư sản công thương (ở Mỹ, Pháp), giai cấp vô sản (ở Nga)...
c) Động lực của cách mạng tư sản:
- Quần chúng nhân dân (gồm nông dân, công nhân, tiểu tư sản,…) là lực chính.
3. Kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản
- Kết quả: lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập quan hệ sản xuất mới, xây dựng nhà nước pháp quyền.
- Ý nghĩa:
+ Cách mạng tư sản thắng lợi đã đặt dấu mốc cho sự ra đời chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển.
+ Góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc cách mạng chống phong kiến và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Á - Phi - Mỹ Latinh.